Hoa giấy lên chậu thành bonsai, có cây 2 tỷ
Hoa giấy là một trong những loài cây cảnh quen thuộc, phổ biến tại Việt Nam. Trước đây, loài cây này thường được trồng để leo bờ rào, phủ mát hiên nhà hay mọc tự nhiên ven đường, nơi đất trống. Với vẻ đẹp mộc mạc, sức sống bền bỉ và khả năng thích nghi tốt với mọi điều kiện thời tiết, hoa giấy từng là “người bạn đồng hành” của nhiều mái nhà quê.

Hiện nay, hoa giấy đã “lột xác” đầy ngoạn mục khi được tạo tác thành bonsai nghệ thuật. Những cây bonsai hoa giấy độc đáo với dáng thế uốn lượn cầu kỳ, gốc già cổ thụ, được chăm chút tỉ mỉ có thể được định giá lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Điểm đặc biệt khiến hoa giấy được yêu thích không chỉ nằm ở vẻ đẹp mà còn ở sự đa dạng sắc màu. Loài cây này có đến hơn 20 màu hoa khác nhau, trong đó màu xác pháo, trắng và vàng là những gam màu được ưa chuộng nhất. Mỗi mùa hoa nở, cây như được “thay áo”, mang đến không gian rực rỡ và đầy sức sống.
Không chỉ đẹp về hình thức, hoa giấy còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy. Theo quan niệm dân gian, hoa giấy tượng trưng cho sự may mắn, hưng thịnh và hạnh phúc. Cây ra hoa càng rực rỡ thì càng đem lại điềm lành, hanh thông trong công việc và cuộc sống.


Trên thị trường hiện nay, từ các sàn thương mại điện tử đến các hội nhóm đam mê cây cảnh, hoa giấy bonsai đang trở thành xu hướng được săn đón. Những chậu hoa giấy mini được uốn tỉa khéo léo, kiểu dáng độc đáo rất thích hợp để trang trí bàn làm việc, phòng khách hay ban công. Giá cả dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy vào thế cây và độ tuổi. Chỉ cần đủ nắng và chăm sóc đúng cách, hoa giấy có thể cho hoa quanh năm, trở thành điểm nhấn xanh mát và đầy nghệ thuật trong không gian sống.
Điển hình nhất phải kể tới chậu bonsai Vạn hoa lầu của một người phụ nữ ở Việt Trì, Phú Thọ. Cây hoa giấy này vốn thuộc về một nghệ nhân ở Đà Lạt nhưng ông chưa bao giờ có ý định bán. Sau nhiều lần đến chơi và thuyết phục, biết người này thích hoa giấy nên ông chủ mới gật đầu đồng ý bán.

“Giá cả khi mua mọi người thường giấu nhưng cây này phải nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam (hoa giấy ta) nên giá rất đắt. Phải trả một cây hoa giấy với giá 2 tỷ đồng ở Việt Nam hay trên thế giới cũng đều rất hiếm”, người phụ nữ chia sẻ.
Cây nguyệt quế bonsai có giá tới 2 tỷ đồng
Tại Việt Nam, cây nguyệt quế thường được dùng để trồng viền, làm hàng rào trong công viên hay trang trí cảnh quan, sân vườn.
Cây nguyệt quế có thể cao từ 2 - 8m, thân cây thẳng, nhẵn. Hoa nguyệt quế thường nở quanh năm, màu trắng hơi ngả vàng, mùi thơm dễ chịu. Khi được trồng trong chậu, uốn nắn đẹp sẽ tạo thành dáng bonsai rất đặc biệt.

Để có một cây nguyệt quế đẹp, đạt giá trị kinh tế cao thì phải đạt độ già về bệ gốc, hoành thân, chi cành… Cùng với đó phải chọn lọc phôi khoẻ, có dáng từ khi mới trồng. Khoảng 2 tháng cây nguyệt quế sẽ cho hoa 1 lần, mỗi đợt ra hoa cần bấm ngọn để cây nảy lộc mới, không được cắt trụi lá mà phải để cành thở cho cây kéo nhựa nuôi thân, nếu không cây sẽ chết.

Trong phong thủy, cây nguyệt quế được xem là biểu tượng của bình an và may mắn, phước lành. Nhiều người tin rằng việc trồng cây nguyệt quế trước nhà sẽ mang lại sự bình yên, trường thọ và thuận lợi cho công việc cũng như sự nghiệp. Sự tươi tốt và đẹp đẽ của cây cũng phản ánh sự hòa hợp và thịnh vượng cho gia chủ.
Trên thị trường bonsai, có những chậu bonsai nguyệt quế có giá vài trăm đến vài tỷ đồng thu hút sự chú ý của nhiều người. Đắt giá nhất phải kể đến bộ 4 cây nguyệt quế bonsai trị giá lên tới 8 tỷ đồng ở An Giang. 4 cây này được gia chủ mua tại vườn của một người dân ở tỉnh Tiền Giang vào năm 2022. Sau đó cây được chuyển về vườn ở TP.Long Xuyên trồng và trưng bày cho người đam mê cây kiểng đến tham quan.

Mỗi cây đều cao 7m, bề hoành gốc 1,2 m. Cây có dáng thông, được uốn theo lối tứ diện, trong đó có 2 cây 27 mâm và 2 cây 29 mâm. Từ bộ rễ đến thân đều có độ vặn, xoắn đây là những yếu tố tác động của thời gian. Phải mất nhiều năm mới tạo ra được một tác phẩm đẹp như vậy.
Cây điệp lào vốn leo hàng rào thành bonsai
Vốn là loài cây mọc dại nơi bờ rào, sân vườn hay ven đường, điệp lào từng được xem như một loại cây cảnh bình dân, giản dị. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, điệp lào đã có một "cuộc lột xác" ngoạn mục khi xuất hiện trong hình dáng bonsai nghệ thuật. Dưới bàn tay tạo tác khéo léo của những nghệ nhân cây cảnh, điệp lào bỗng trở nên duyên dáng, độc đáo, thu hút ánh nhìn và trở thành “cơn sốt” trong giới yêu cây cảnh.

Điệp lào thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, phát triển theo dạng bụi, có cành dài mềm rủ sát đất. Hoa điệp lào có màu đỏ thắm nổi bật, hình dáng lạ mắt với cánh hoa mảnh mai, tua tủa vươn lên như những sợi tơ đỏ. Loài hoa này không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp rực rỡ, mà còn mang theo ý nghĩa phong thủy tốt lành - tượng trưng cho sự may mắn, bình yên và thịnh vượng. Một số giống điệp lào còn có hoa màu trắng, tuy nhiên hiếm gặp và ít phổ biến hơn.

Điểm mạnh của cây điệp lào là khả năng thích nghi cao. Cây rất dễ trồng, chịu hạn tốt, phát triển khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu khô nóng, điều kiện thường gặp ở nhiều vùng miền nước ta. Đặc biệt, cây có thể ra hoa gần như quanh năm, tạo vẻ đẹp rực rỡ, sinh động cho không gian sống. Hoa nở thành từng chùm nhỏ, nhưng lại liên tục, nên cây lúc nào cũng như đang “cháy” trong sắc đỏ.
Khi được đưa vào chậu và uốn tỉa thành bonsai, điệp lào mang một vẻ đẹp rất riêng: vừa mềm mại, nhẹ nhàng, lại vừa mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Những chậu bonsai điệp lào mini với dáng nghiêng, dáng đổ hay dáng bay hiện được bày bán phổ biến trên thị trường. Mỗi chậu có giá dao động từ 200.000-500.000 đồng, tùy kích cỡ và hình dáng. Những cây có thế độc đáo, gốc to lâu năm có thể được định giá lên đến vài triệu đồng.

Không chỉ là một thú chơi mới mẻ, bonsai điệp lào còn mở ra cơ hội kinh tế cho nhiều người. Từ việc nhân giống, chăm sóc đến tạo dáng, nếu nắm rõ kỹ thuật, đây có thể là nguồn thu nhập ổn định và hấp dẫn. Vừa đẹp mắt, dễ chăm sóc lại mang ý nghĩa phong thủy tích cực, cây điệp lào bonsai đang dần khẳng định vị thế trong thế giới cây cảnh bonsai tại Việt Nam.
H.A